Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
26-4-2020

Lời Chúa: Lc 24,13-35

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Suy Niệm:
"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24,29). Đây là lời mời tha thiết của hai môn đệ trên đường Emmau vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình đã sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi "bẻ bánh" đơn giản (Lc 24,35).
Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ "họ chỗi dậy trở về Giêrusalem" (Lc 24,33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho "mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp" (Lc 24,33).
Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus có thể hình ảnh của mỗi gia đình chúng ta. Giữa biết bao vấn đề và khó khăn, ngay cả những thất vọng nặng nề, Người Bộ Hành Thần Linh vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh chúng ta, mở ra cho chúng ta những trang Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn những mầu nhiệm của Thiên Chúa. 
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, năm xưa Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Sự đồng hành này đã nâng đỡ họ và giúp họ tìm lại niềm vui và hy vọng trong cuộc sống.
Xin cho chúng con luôn là những người bạn tốt lành của nhau, bằng cách đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường cuộc sống. Xin giúp chúng con đừng bao giờ dửng dưng như khách lạ với tha nhân, nhưng luôn liên kết, cảm thông và nâng đỡ những rủi ro, bất hạnh của anh chị em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chỉ tìm niềm vui nơi mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, sự đồng hành của Chúa trên đường Emmau đã đánh tan thất vọng, lo âu trong tâm hồn các môn đệ, xin cũng ban cho chúng con sự bình an và ơn thánh qua Bí Tích Thánh Thể mà chúng con được đón rước vào trong tâm hồn. Amen.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
19-4-2020
Lời Chúa: Ga 20,19-31
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy Niệm:
Giữa cơn lo sợ bàng hoàng còn chưa nguôi; các cửa phòng còn đóng kín để tránh ánh mắt soi mói của người Do thái. Ðức Giêsu Phục Sinh bất ngờ hiện đến, mang theo bình an và Thần Khí của Ngài để làm cho các Tông Ðồ được vững mạnh trong niềm tin. Từ cõi chết, Ðức Giêsu đã bước vào cõi trường sinh; từ tình trạng xem như thất bại, Ðức Giêsu đã chiến thắng vẻ vang. Cùng với Ðức Giêsu, từ nay người môn đệ của Ngài luôn sống trong hân hoan, bình an vì Thầy của họ đã thắng thế gian và đưa họ vào nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.
Cầu Nguyện:
             
Lạy Chúa Giêsu, ước gì lời chúc bình an của Chúa sẽ là nguồn trợ lực cho suốt cuộc đời chúng con. Chúng con chỉ có bình an thực sự khi tin tưởng phó thác vào Chúa. Nhờ đức tin, nhờ Lời Chúa soi dẫn, chúng con xác tín rằng Chúa luôn ở bên chúng con và nâng đỡ chúng con trong từng biến cố. Xin Chúa đến ngự giữa chúng con. Amen.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020


CHÚA NHẬT PHỤC SINH
12-4-2020
Lời Chúa: Ga 20,1-9
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Suy Niệm:
Trong thời sơ khai của Giáo Hội, những lời giảng dạy của các tông đồ mang nội dung chính yếu là sự phục sinh của Đức Giêsu. 
Khi Chúa bước ra khỏi mồ, không có môn đệ nào chứng kiến. Ngôi mộ trống là khởi điểm cho những câu hỏi được đặt ra, khiến họ hồi tưởng quá khứ để suy tư những lời Chúa đã nói trước. Thế rồi, họ được gặp Chúa phục sinh. Lúc đầu họ còn ngờ vực, nhưng rất nhanh sau đó, họ đã nhận ra Người. Họ còn được đàm đạo và ăn uống với Người. Nhờ đó mà họ có cảm nhận rất sâu sắc về Đấng Phục Sinh.
Chính chứng từ của các tông đồ đã làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi và đem lại hiệu quả nhanh chóng của công cuộc truyền giáo. 
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã Phục Sinh, chúng con đã mừng biết bao nhiêu lễ Phục Sinh, nhưng chúng con đã thấy những gì? Có gặp Đấng Phục Sinh giữa đời hay không? Sự hiểu biết Chúa của con có thâm sâu đến mức có thể kể cho mọi người nghe về Ngài hay không? Hay chỉ biết Chúa như một nhân vật của huyền thoại hoặc một nhân vật của lịch sử.
Xin cho sự hiểu biết Chúa phải dẫn con đến việc biến đổi canh tân cuộc đời, để con được sống lại với Chúa. Nói cách khác, chính Chúa Phục Sinh sống trong con và làm đổi mới tận căn cuộc đời con, như Thánh Phaolô "tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Amen.



ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
11-4-2020
Lời Chúa: Mt 28,1-10
Chiều ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hoá ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay". Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em!" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó". 
Suy Niệm:
Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn. Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh. Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta. Muốn ai tin Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó. Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được. Đó là hồng ân của Thánh Thần.
Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng xán lạn trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô hữu chúng ta.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin biến đổi chúng con thành con người mới, con người của ân sủng, con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con biết chiến đấu mỗi ngày, để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương, để mai này chúng con cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa. Amen.




THỨ SÁU TUẦN THÁNH
10-4-2020 
Lời Chúa: Ga 18,1-19,42
“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.” (Ga 19,37)
Suy niệm:
Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị Thiên Chúa. Người đã trở nên như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, để nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, con người được cứu độ. Người đã đến trần gian không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và giải thoát con người khỏi tội. Cạnh sườn Chúa Giêsu bị mở toang là dấu chứng của một tình yêu đến cùng và là lời mời gọi dấn thân sống cho và sống vì người khác. Cái chết của Chúa trên thánh giá diễn tả thân phận hạt lúa chịu mục nát để trổ sinh hoa quả gấp trăm lần. Tất cả chúng ta đang sống nhờ vào hoa quả của Hạt lúa ấy.
Con người, do hệ quả của tội lỗi, thường ảo tưởng tự cho mình là trung tâm của thế giới. Vì thế, chúng ta thường có khuynh hướng quy về mình, muốn người khác tôn trọng và phục vụ mình. Trong khi đó, Thiên Chúa yêu ta không vì ta tốt lành, đạo đức hay hữu ích cho Người. Người yêu ta cả khi ta trong dáng dấp rách nát của đứa con hoang đàng không một chút đáng yêu. Vì thế, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, bằng cách bước ra khỏi quỹ đạo khép kín của mình để đi vào quỹ đạo tình yêu của Chúa, Đấng là trung tâm và động lực của tất cả hoạt động chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, có những khi việc đón nhận người khác là điều vượt quá sức con, vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối. Con cũng không thể nào kính trọng kẻ khác được vì ý kiến và cái nhìn của người ấy. Trong những lúc khó khăn đó, xin Chúa nhắc cho con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để con quên giới luật yêu thương của Ngài. Amen.

 



THỨ NĂM TUẦN THÁNH
9-4-2020 
Lời Chúa: Ga 13,1-15
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Suy Niệm:
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trong khung cảnh ấm cúng của bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã diễn tả tình yêu khiêm hạ của mình cho các môn đệ yêu quý. Qua hành vi cúi mình rửa chân cho các Tông Đồ, một lần nữa, Chúa Giêsu đã minh chứng rằng Người đến trần gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng đến để phục vụ mọi người. Hành động rửa chân cho các môn đệ còn là bài học sống động mà Chúa Giêsu muốn truyền lại cho những ai muốn đi theo Người. Đó là bài học khiêm tốn phục vụ mọi người trong yêu thương: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
Chúa Giêsu đã nêu gương yêu thương. Đó là yêu thương bằng sự phục vụ trong âm thầm và khiêm tốn. Chúa Giêsu không chỉ dạy ta yêu thương qua việc rửa chân cho các Tông Đồ hôm xưa, mà hôm nay, qua phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện tại hóa tình yêu của Ngài cho nhân loại. Bằng việc trao ban chính mình, hiến thân trọn vẹn dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu thông ban sự sống thần linh cho chúng ta. Đón rước Mình và Máu Chúa Kitô, mỗi người chúng ta được mời gọi trao ban chính mình cho tha nhân, cúi mình phục vụ anh chị em với lòng mến, cụ thể trong môi trường ta đang sống hằng ngày, là gia đình, giáo xứ, trường học, công xưởng và xã hội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương, Chúa đã đón nhận chén đắng mà Chúa Cha trao phó để cứu chuộc con người. Xin cho chúng con cũng biết noi gương yêu thương của Chúa, biết bỏ đi cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, biết dẹp bỏ lòng kiêu hãnh để biết mau mắn cúi mình “rửa chân” cho anh chị em mình bằng những việc hy sinh phục vụ nhỏ bé hằng ngày, để những cử chỉ cao đẹp Chúa đã làm luôn tiếp diễn trong thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020


CHÚA NHẬT LỄ LÁ
5-4-2020 
Lời Chúa: Mt 21,1-11
Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay". Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:
"Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ".
Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!"
Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: "Người đó là ai vậy?" Dân chúng trả lời rằng: "Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa".
Suy Niệm:
Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội chính thức bước vào Tuần Thánh, với biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, khởi đầu hành trình thương khó trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại để suy tư về hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta: Bấy lâu nay, chúng ta đi theo Chúa trên con đường nào? Trên con đường thương xót hay hận thù? Yêu thương hay ích kỷ? Hướng tha hay vụ lợi? Sứ vụ hay danh vọng?...
Cầu Nguyện:
Khi nghe bài Thương Khó hôm nay, xin cho mỗi người chúng con không chỉ dừng lại ở sự xót xa nơi những lời vu khống không thương tiếc, những  lằn roi tê tái, những lời nhục mạ, và những nhát đinh chết người mà con người dành cho Chúa!
Nhưng điều quan trọng, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con, biết sống sứ điệp của Chúa ngang qua cuộc thương khó, để ước gì thế giới này được chan chứa tình yêu thương và hy vọng qua cuộc sống chứng nhân của chúng con. Amen.